USD tăng trở lại sau mấy phiên giảm liên tiếp sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 11, dẫn tới suy đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể không xoay trục chính sách sang giảm tốc độ tăng lãi suất.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết chỉ số PMI phi sản xuất của Mỹ đã tăng lên 56,5 trong tháng 11/2022, từ 54,4 của tháng 10, cho thấy lĩnh vực dịch vụ, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, vẫn kiên cường trước sự gia tăng lãi suất. Con số này cao vượt trội so với kết quả khảo sát của Reuters – theo đó các nhà phân tích dự báo PMI phi sản xuất sẽ trượt xuống 53,1.
Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi dữ liệu công bố thứ Sáu tuần trước (2/12) cho thấy tăng trưởng việc làm và tiền lương của Mỹ trong tháng 11 mạnh hơn dự kiến. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng tốc trong tháng 10.
Một chuỗi các báo cáo lạc quan đã làm gia tăng niềm tin rằng nước Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế vào năm 2023, song tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể, đồng thời thúc đẩy suy đoán về việc lãi suất sẽ tăng cao như thế nào.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cao cấp của Convera cho biết: “Thị trường chỉ đang phỏng đoán về mức độ quyết liệt của Fed trong việc chế ngự lạm phát”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất “ngay sau tháng 12”.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 5/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,65% lên 105,131. USD tăng 1,35% so với đồng yên lên 136,15, bật tăng từ mức thấp nhất 3,5 tháng chạm tới vào thứ Sáu (2/12), là 133,62 JPY; trong khi bảng Anh đạt mức cao nhất trong vòng hơn 5 tháng, là 1,2345 USD.
Đồng euro giảm 0,02% xuống còn 1,0538 USD, không xa mức 1,0585 USD trên thị trường châu Á, cao nhất kể từ ngày 28 tháng 6.
Đồng USD giảm 0,12% so với đồng franc Thụy Sĩ xuống 0,9346 USD/CHF, không xa so với mức thấp gần 8 tháng của ngày thứ Sáu (2/12), là 0,9326 USD.
Tuần trước, chỉ số Dollar index đã giảm 1,4%, và trong tháng 11/2022 giảm 5%, đánh dấu tháng giảm nhiều nhất kể từ 2010. Nhưng hiện tại, thị trường đang ngày càng tin rằng trong chính sách tiền tệ, thuật ngữ ‘xoay trục’ đã đi đúng hướng.
“Tôi nghĩ vấn đề về ‘lạm phát cao nhất, lãi suất cao nhất, đồng đô la cao nhất’ đang dần biến thành ‘sự dai dẳng của lạm phát, sự dai dẳng của lãi suất tăng trong thời gian dài hơn,” Jane Foley, chiến lược gia ngoại hối cấp cao của Rabobank, cho biết.
Theo ING, đợt giảm giá của USD đã chấm dứt, Fed sẽ duy trì quan điểm thắt chặt tiền tệ một cách tích cực, việc nới lỏng các hạn chế chống COVID của Trung Quốc có thể trở nên phức tạp và giá dầu khí có thể tăng trở lại.
Một yếu tố quan trọng khác tác động lên các thị trường vào thứ Hai vừa qua là Trung Quốc, nơi một số thành phố đã nới lỏng các hạn chế về COVID. Thông điệp chính thức về mức độ nguy hiểm của virus cũng đã thay đổi sau khi xảy ra các cuộc biểu tình liên quan đến chính sách “Zero COVID” của Chính phủ.
Tỷ giá hối đoái tiền tệ của Úc và New Zealand đạt mức cao nhất trong nhiều tháng sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nới lỏng các chính sách chống đại dịch và dữ liệu bảng lương mạnh mẽ của Mỹ khiến không thể thay đổi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Các thương nhân hiện đang chờ quyết định lãi suất từ Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào thứ Ba. Nhiều người sẽ tìm kiếm các tín hiệu về việc EBA sắp tới sẽ tạm dừng tăng lãi suất, sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng hàng tháng, công bố vào tuần trước, cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh.
Đồng đô la Úc tăng 0,8% lên 0,6849 USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 9. Tỷ giá cặp tiền này đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự ở mức 68,5 cent. Đồng đô la New Zealand tăng 0,4% ở mức 0,6436 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8, sau khi kết thúc tuần trước với mức tăng 2,6%. Mức kháng cự hiện tại là khoảng 64,5 cent.
So với tiền Trung Quốc, Đồng đô la giảm xuống dưới 7,0 nhân dân tệ, mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng, với đồng nhân dân tệ giao dịch trên thị trường quốc tế đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 9. Trong nước, nhân dân tệ kết thúc phiên ở mức 6,9588 CNY.
Việc Bắc Kinh nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19 – có khả năng giúp thu hút dòng vốn nước ngoài mới – và kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm đã đẩy nhân dân tệ hồi phục rất nhanh.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin phiên này tăng, có lúc gần giảm 17.400 USD, kết thúc ngày 5/12 theo giờ Việt Nam ở mức 17.082 USD.
Giá vàng lao dốc trong phiên này do USD tăng trở lại. Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 5/12 theo giờ Việt Nam giảm 1,2% xuống 1.775,68 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 7 là 1.809,91 USD vào buổi sáng cùng ngày. Giá vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 1,3% xuống còn 1.786,90 USD.
Giá bạc cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng trượt giá của vàng, giảm 3,2% xuống còn 22,38 USD.
Hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 11, với việc làm phục hồi, cung cấp thêm bằng chứng về động lực cơ bản của nền kinh tế khi nền kinh tế này chuẩn bị cho một cuộc suy thoái được dự đoán vào năm tới.
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết dữ liệu ISM cao hơn dự kiến đã thúc đẩy chỉ số đồng đô la tăng, từ đó gây ra tình trạng bán tháo vàng và bạc do kỳ vọng rằng Fed sẽ có chính sách thắt chặt nhiều hơn.
Tham khảo: Refinitiv
https://cafef.vn/usd-nhan-dan-te-bang-anh-va-bitcoin-bat-tang-manh-vang-lao-doc-20221206005244602.chn