USD, rúp Nga và vàng cùng nhau đi xuống, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh

USD, rúp Nga và vàng cùng nhau đi xuống, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh
Tag: #kinhtechinhtri,#thitruong,#tinkinhte,gallencapital,Gold

Tâm lý nhà đầu tư trở nên phấn chấn sau khi Home Depot và United Airlines thông báo kết quả thu nhập, cùng với sự lạc quan xung quanh việc Trung Quốc nới lỏng các quy định trong lĩnh vực công nghệ cũng như các biện pháp chống Covid-19 đã giúp nhu cầu đối với tài sản rủi ro hồi sinh trở lại.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 17/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,7% so với lúc đóng cửa phiên liền trước, xuống 103,39, mức thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 5. Chỉ số này tuần trước đã đạt mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ thái độ ‘diều hâu’ trong chính sách tiền tệ và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Brad Bechtel, Giám đốc phụ trách tiền tệ toàn cầu của Jefferies, cho biết: “Tâm trạng trên thị trường đã được cải thiện đáng kể so với tuần trước với hầu hết các loại tài sản đều tăng giá và đảo ngược xu hướng của tuần trước”.

“Kết quả là giá cổ phiếu tăng và hầu hết các loại tiền tệ trên thế giới đều tăng giá so với USD”, ông Bechtel nói.

Chứng khoán toàn cầu phiên vừa qua đồng loạt khởi sắc. Chứng khoán Mỹ tăng do hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, với 10 trong số 11 lĩnh vực chính của chỉ số S&P tăng trưởng, với các lĩnh vực tài chính và công nghệ đồng loạt tăng 2%. Chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng tăng với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt các quy định chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ.

Các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm, với chỉ số Nikkei tăng 3 phiên liên tiếp, chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm…

Đáng chú ý, USD giảm giá bất chấp dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 4 không những không có dấu hiệu giảm mà còn tăng mạnh mặc dù lạm phát cao. Người tiêu dùng Mỹ đang tăng cường mua xe có động cơ trong bối cảnh nguồn cung cải thiện và người dân thường xuyên lui tới các nhà hàng.

Các bài phát biểu của các diễn giả của Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, trong tuần tới sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm bất kỳ manh mối nào về việc liệu lãi suất ngắn hạn có thể tăng mạnh mẽ hơn hay không.

USD, rúp Nga và vàng cùng nhau đi xuống, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh - Ảnh 1.Diễn biến giá Dollar index.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 17/5 theo giờ Việt Nam đã tăng 1,05% lên 1,0541 USD, tiếp tục đà hồi phục từ mức thấp nhất trong 5 năm chạm tới vào tuần trước và tạo ra khoảng cách xa hơn về giá trị giữa đồng tiền chung và đồng USD.

Đồng tiền chung được hưởng lợi từ việc nhà hoạch định chính sách của ECB, Francois Villeroy de Galhau, hôm thứ Hai (16/5) tuyên bố rằng đồng euro yếu có thể đe dọa sự ổn định giá cả trong khối tiền tệ chung. Euro càng tăng giá sau những bình luận với thái độ ‘diều hâu’ của Giám đốc ngân hàng trung ương Hà Lan, Klaas Knot.

Ông Knot cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu không chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7, mà còn sẵn sàng xem xét mức tăng lớn hơn nếu lạm phát cao hơn dự kiến.

Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ thuộc Ngân hàng Scotia cho biết: “Chúng tôi cho rằng đợt bán tháo đồng euro đang bắt đầu chững lại”.

Bảng Anh cũng tận dụng cơ hội đồng USD yếu đi để tăng 1,29% lên mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 5 sau khi dữ liệu thị trường lao động mạnh mẽ củng cố kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong ba tháng đầu năm nay giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974, trong khi tổng lương tăng 7,0% so với một năm trước đó, vượt xa dự báo trung bình của các nhà kinh tế là tăng 5,4% khi các công ty sử dụng tiền thưởng để thu hút hoặc giữ chân nhân viên.

BoE đang theo dõi chặt chẽ thị trường lao động vì họ lo ngại rằng mức tăng trưởng lương cao hơn bình thường có thể khiến lạm phát tăng hơn nữa trong bối cảnh vốn đã cao do giá năng lượng.

Đồng đô la Australia, được coi như một đại diện của các loại tiền tệ có độ rủi ro cao, cũng tăng 0,73%. Biên bản họp của Ngân hàng trung ương Australia vừa cho thấy họ đã xem xét việc tăng lãi suất mạnh mẽ tại cuộc họp vào tháng 5, với một gợi ý rất rõ ràng rằng sẽ có một đợt tăng nữa vào tháng 6.

Một hiện tượng nữa cũng rất đáng chú ý, đó là đồng rúp của Nga suy yếu trong phiên vừa qua, rời xa mức cao gần 5 năm so với đồng euro, sau khi ngân hàng trung ương Nga nới lỏng một số kiểm soát vốn – yếu tố vốn là động lực chính thúc đẩy sức mạnh của rúp trong vài tuần qua.

Theo đó, rúp Nga giảm 0,7% xuống 63,89 RUB/USD, rời khỏi mức 62,6250 RUB đạt được vào thứ Sáu tuần trước (13/5) – mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 năm 2020.

So với đồng euro, đồng rúp giảm 1,1% xuống 66,50RUB/EUR, dao động gần mức cao nhất kể từ giữa năm 2017, là 64,9425 chạm tới vào tuần trước.

Đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay bất chấp một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, mặc dù điều này là do các biện pháp kiểm soát mà Nga áp đặt để bảo vệ lĩnh vực tài chính của họ vào cuối tháng Hai.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giao dịch trên thị trường nước ngoài tăng 0,8% trong phiên vừa qua, sau khi mất khoảng 7% giá trị kể từ giữa tháng 4.

Thượng Hải đã ghi nhận 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 nào ở ngoài cộng đồng, một dấu mốc báo hiệu các biện pháp hạn chế sắp được dỡ bỏ.

Trong nước, nhân dân tệ kết thúc phiên tăng 76 pip lên 6,7794 CNY, nhích khỏi mức thấp nhất 20 tháng chạm tới trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với nhân dân tệ trong ngắn hạn vẫn còn đó do sự khác biệt về các nguyên tắc kinh tế cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ trong quý hai này đã trở nên rõ ràng hơn.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin chật vật hồi phục, trong phiên vừa qua đã vượt ngưỡng 30.000 USD – mốc đã đánh mất vào tuần trước khi các tài sản rủi ro khác đồng loạt giảm giá, nhưng lúc kết thúc ngày 17/5 theo giờ Việt Nam giảm trở lại dưới 30.000 USD.

USD, rúp Nga và vàng cùng nhau đi xuống, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh - Ảnh 2.Giá Bitcoin ngày 17/5.

Giá vàng giao ngay quay đầu giảm trong phiên vừa qua, bất chấp USD cũng yếu đi, do dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ và gia tăng kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 17/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 1.820,75 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng tăng 0,3% lên 1.819,50 USD.

Ryan McKay, chiến lược gia hàng hóa thuộc TD Securities, cho biết vàng dường như đã chịu một số áp lực kể từ khi có dữ liệu của Mỹ. Theo ông: “Tâm lý đối với thị trường kim loại quý đang bắt đầu có xu hướng giảm. Và điều đó có thể báo hiệu tin xấu cho giá vàng kỳ hạn tương lai” với một số đợt thanh lý hợp đồng có thể sắp diễn ra, đặc biệt là khi Fed tiếp tục có giọng điệu ‘diều hâu’.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc