Vì sao làn sóng sa thải nhân sự ập đến ngành công nghệ Mỹ?

Vì sao làn sóng sa thải nhân sự ập đến ngành công nghệ Mỹ?

Vì sao làn sóng sa thải nhân sự ập đến ngành công nghệ Mỹ?

Những năm trước, cứ nhắc tới giới công nghệ Mỹ là người ta hay nói tới công việc đáng mơ ước với mức lương cao ngất ngưởng. Nhưng bây giờ dường như đội ngũ nhân sự các công ty công nghệ đang đứng trước một tương lai khá bấp bênh khi hàng chục nghìn nhân lực trong giới công nghệ Mỹ đã bị sa thải trong một thời gian ngắn. (Ảnh minh họa: KT)

Ngành “hot” bỗng dưng “nguội”

Sau một đêm ngủ dậy bỗng dưng cả ngàn lao động trở thành thất nghiệp. Đó là sự thật đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất tại nền kinh tế số 1 thế giới – Mỹ. Mới đây nhất, chỉ 2 ngày trước Lễ Tạ ơn, công ty nội thất lớn của Mỹ là United Furniture Industries (UFI) nửa đêm đã gửi tin nhắn và email cho 2.700 nhân viên để thông báo sa thải. Trước đó thì nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Twitter, Microsoft, Amazon, Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng sa thải hàng loạt nhân sự.

Cùng với làn sóng thanh lọc nhân sự của các “ông lớn” công nghệ Mỹ, HP cũng đang có kế hoạch chuẩn bị sa thải hàng nghìn nhân viên trước áp lực suy thoái của nền kinh tế thế giới. Một số hãng lớn chưa sa thải nhân viên thì cũng “đóng băng” các kế hoạch tuyển dụng mới.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các tập đoàn lớn tại Mỹ đã sa thải hàng chục nghìn lao động chỉ trong một thời gian ngắn. Và vì sao lại xảy ra tình trạng này ở một ngành vốn được coi là rất “hot” cách đây không lâu?

Lo ngại về suy thoái, lãi suất gia tăng và việc người dân nối lại các hoạt động thời kỳ trước đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể tới các công ty công nghệ. Xu thế này đã khiến cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn sụt giảm mạnh và buộc họ phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí.

Tờ Moneycontrol cho biết, Meta sa thải 11.000 nhân viên. Google có kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên Amazon cũng đã sa thải hàng nghìn người. Sau khi chứng kiến ​​sự tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh đại dịch và tăng đáng kể lực lượng lao động, các công ty công nghệ đã không đạt được doanh thu và lợi nhuận mục tiêu. Đây là một trong những lý do chính khiến họ đã, đang và sẽ sa thải lượng lớn nhân viên.

Theo nhận định của trang DigiDay, sau đợt sa thải hàng loạt của các “gã khổng lồ” công nghệ (Big Tech), nhiều ứng viên sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt vào năm 2023. Những cơn gió ngược về kinh tế đang phủ “bóng ma” lên bảng cân đối kế toán của các công ty trong toàn ngành. Trong bối cảnh như vậy, các thuật ngữ như sa thải, tái cơ cấu hoặc giảm nhân sự trở nên phổ biến và gây thiệt hại cho người lao động. Việc cắt giảm nhân sự chưa từng có này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nỗi đau của cuộc suy thoái sắp tới có thể sẽ lan rộng.

Song, tờ The Times of India lại cho rằng, việc công nghệ lớn sa thải nhiều nhân sự cũng không có gì to tát, bởi thời kỳ tồi tệ của các công ty công nghệ toàn cầu rất đáng sợ nhưng sẽ mong chóng kết thúc.

The Times of India phân tích: Trong hai năm qua, Amazon, Meta, Twitter đã đầu tư vào các ý tưởng và thử nghiệm mới, dự đoán mức tăng trưởng theo cấp số nhân do nhu cầu trong đại dịch Covid-19 thúc đẩy. Số lượng nhân viên của Amazon đã tăng gấp đôi lên 1,6 triệu và của Meta đã tăng 55%, từ năm 2019 đến năm 2021. Sự thúc đẩy công nghệ hậu Covid nhờ tính thanh khoản đáng kể với mức lãi suất gần như bằng 0 được duy trì bởi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở Mỹ.

Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đòi hỏi phải có những điều chỉnh mạnh mẽ, bao gồm sa thải nhân viên, triển khai lại các khoản đầu tư và tăng số lượng đặt cược vào các sáng kiến ​​​​mới. “Mặc dù những công ty siêu quy mô này đã để hàng nghìn người ra đi, nhưng chúng vẫn tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái kể từ năm 2019”, The Times of India nêu thực tế.

Nhen nhóm tia hy vọng mới

Theo bình luận của Washington Post, việc sa thải nhân viên của Big Tech đang tàn phá Thung lũng Silicon. Những gã khổng lồ công nghệ như Twitter, Amazon và Facebook đang sa thải hàng nghìn công nhân do tình trạng cắt giảm việc làm và việc tuyển dụng đóng băng đang hoành hành trong ngành. Nhiều kỹ sư phần mềm, lập trình viên và nhà khoa học dữ liệu không có việc làm, đang cân nhắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng các công ty công nghệ khí hậu vừa đưa ra một thông điệp khá hấp dẫn: Hãy đến làm việc cho chúng tôi!

Các công ty này cung cấp một loạt các công việc như tạo ra phần mềm để đo lượng khí thải nhà kính tốt, tạo ra các vật liệu như xi măng và thép không sử dụng carbon… Kỷ lục gây quỹ trong những năm trước và sự hỗ trợ mới của chính phủ đã đặt lĩnh vực công nghệ khí hậu vào một vị trí rất thuận lợn: tuyển dụng nhân tài trong khi các nhà tuyển dụng uy tín ở Thung lũng Silicon đang gặp khó.

Vì sao làn sóng sa thải nhân sự ập đến ngành công nghệ Mỹ? - Ảnh 1.

Đang có sự chuyển dịch nhân sự từ ngành công nghệ sang ngành công nghiệp biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Washington Post)

Một liên minh gồm các công ty công nghệ khí hậu đưa ra một bảng việc làm hiển thị hơn 4.000 việc làm có sẵn trải rộng trên khoảng 360 công ty. Một cổng thông tin việc làm khác, Climatebase, có hơn 6.000 bài đăng hiện tại. Ba loại tin tuyển dụng hàng đầu trên Climatebase hiện nay là: phát triển kinh doanh và bán hàng, truyền thông và kỹ thuật phần mềm.

Các hội chợ việc làm đang được tổ chức vào tuần tới và sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn để thúc đẩy các cơ hội việc làm về công nghệ khí hậu. Nhiều nhân viên công nghệ trên các ứng dụng nhắn tin và bảng tin cộng đồng đang kêu gọi các đồng nghiệp bị sa thải của họ xem xét các công việc trong lĩnh vực mới này. Những người lao động bị sa thải đang được giảm giá 33% cho các khóa học về biến đổi khí hậu kéo dài 12 tuần, thường có giá khoảng 1.499 USD.

Apoorv Bhargava, Giám đốc điều hành của công ty trí tuệ nhân tạo khí hậu WeaveGrid, cho biết ông nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong tuyển dụng nhân sự thời gian gần đây. Thông thường, công ty của ông nhận khoảng 80 đơn xin việc mỗi tuần. Tuần này thì con số cao gấp 10 lần.

Còn ông Eugene Kirpichov, cựu kỹ sư phần mềm của Google, người đã dành hơn hai năm giúp xây dựng nhóm phi lợi nhuận Work on Climate, nhìn nhận, dòng nhân tài của ngành công nghệ bị sa thải có thể là một lợi ích cho ngành công nghiệp khí hậu./.

https://cafef.vn/vi-sao-lan-song-sa-thai-nhan-su-ap-den-nganh-cong-nghe-my-20221128090913816.chn

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc